“Sao mình cứ thấy bài đọc trong giáo trình nó sai sai? Mình có sai không ta? Uả mình không thấy tác giả nói có lý chỗ nào luôn ý? Nhưng bác ấy viết được cả sách cơ mà, không lẽ bác ấy sai?!”
Chắc hẳn đôi lúc khi đọc một văn bản trong sách báo, chúng ta đã từng nghĩ “Cái này không đúng lắm?” nhưng lại không dám tiếp tục nghĩ cho tới hết vấn đề do “Người ta viết được cả sách báo thì sao mà sai? Sách báo là phải chuẩn. Ừ, chắc tại mình nghĩ kì.” YOLA có một lời khuyên dành tặng bạn nè: Cứ “théc méc” vậy tiếp đi. Cứ “ngờ vực” vậy đi. Nó tốt cho bạn hơn bạn nghĩ đấy.
Thân thương khoe với nhà mình, ở YOLA, các bạn nhỏ ở tuổi teen học được nhiều hơn chỉ một môn Anh văn cũng chính bằng biện pháp tự vấn, suy ngẫm sao cái này đúng, cái kia sai như vậy đấy. Đây chính là tư duy phản biện mà chúng ta thừa tiềm năng phát triển nhưng lại ít cơ hội khai phá khi ở độ tuổi không còn là con nít ngây ngơ mà cũng chưa phải người lớn với nhiều định kiến, khuôn mẫu trong tư duy. Ở độ tuổi “vàng” này, chúng mình đã tích tựu đủ một lượng kiến thức và trải nghiệm kha khá để hiểu sâu về thế giới xung quanh nhưng vẫn giữ được thái độ hồn nhiên khi tiếp nhận chúng, do đó ta không ngừng “Ủa? Sao nó lại…?”
Các bạn cùng đọc qua bài viết tóm tắt và bình luận dưới đây về bài viết “Social Media and Celebrity Culture ‘harming young people’” bởi tác giả Nazia Parveen, của bạn Lê Trần Ánh Dương, Sunshine, lớp Junior Secondary 8_U45 của YOLA nhé.
Xem bài viết đầy đủ của Sunshine tại: http://ldp.to/Sunshine-story
Sunshine tóm tắt góc nhìn của tác giả trong bài viết của mình một cách chính xác, ngắn gọn trước khi đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Bạn ấy bất đồng quan điểm với tác giả này! WOW! Trong khi tác giả cho rằng mạng xã hội đang mang lại quá nhiều áp lực về ngoại hình và tiềm tàng nhiều nguy cơ cho thanh thiếu niên thì Sunshine lại thấy nó giúp các bạn trẻ khai thác sự tự tin và tiếp cận gần hơn với cuộc sống thực tế. Lập luận sắc bén với quan sát cuộc sống và kinh nghiệm thực tế của Sunshine đã làm tốt việc thuyết phục người đọc tin vào góc nhìn của bạn ấy.
“Gật đầu” thường khó hơn “lắc đầu”, nhưng rõ ràng việc rèn luyện tư duy phản biện trong học đường và đời sống hằng ngày có thể giúp ta “lắc đầu” một cách rất ngầu.
Sunshine chia sẻ “Mình đã dành 3 tiếng tập trung hoàn toàn để nghiền ngẫm văn bản, rồi tóm tắt và phản biện về nó để hoàn thành bài viết này. Việc tập trung làm bài thay vì chia nhỏ thành nhiều tác vụ giúp mình dễ tìm được “cảm hứng” viết bài.” Ngoài ra, những tác nhân siêu quan trọng giúp Sunshine đạt được khả năng tư duy và viết tốt được như vậy là: một người thúc đẩy, một thói quen tự học, và chăm đọc sách ở các thể loại mà mình yêu thích.
Thầy Davin Truong ở YOLA Út Tịch là người đã tiếp lửa cho bạn viết chăm, viết trôi chảy với “zero stress”. Sunshine rất thích hoạt động viết để “vận công não” rồi chia sẻ với các bạn cùng lớp mà không cần quá lưu tâm về việc “phải viết cho đúng”. Việc rèn luyện suy nghĩ, viết để chia sẻ góc nhìn mà thầy tập cho lớp đã giúp Sunshine tăng khả năng tư duy nhiều và thấy việc viết văn tự nhiên như hơi thở. Bên cạnh vai trò thắp lửa của người thầy, việc tự học được bạn đánh giá quan trọng ngang ngửa. Bạn hay tự trả lời thêm các câu hỏi trong sách mà bạn chưa có dịp học xong hết trong lớp. Ngoài ra, Sunshine còn chăm đọc sách. Bạn bật mí: “Thường thì sách người lớn cho là hay sẽ hơi khó nuốt cho chúng mình, nên mình cứ chọn các thể loại mình yêu thích để đọc là được. Đọc càng nhiều, càng rộng thì tự khắc mình sẽ hiểu thêm nhiều về cuộc sống này. Đặc biệt, việc đọc các văn bản chia sẻ nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề sẽ giúp tư duy phản biện của chúng ta trở nên nhạy bén hơn rất nhiều.”
YOLA mong rằng bài viết này phần nào giúp chúng mình hiểu được tư duy phản biện là gì và bỏ túi được vài chiến thuật để rèn luyện nó từ những chia sẻ “đỉnh của chóp” của bạn Sunshine nhé.